Lịch sử Máy bay huấn luyện phản lực

Máy bay huấn luyện thế hệ thứ nhất vào thời thập niên 1940 chủ yếu là được sửa đổi từ các thiết kế có sẵn như Gloster Meteor và Lockheed T-33, nhưng sau đó là sự ra đời các máy bay thiết kế tùy chỉnh như Aero L-29 DelfínBAC Jet Provost.

Khi quá trình huấn luyện dần phát triển lên cao, lực lượng không quân của mỗi quốc gia khác nhau sẽ sử dụng máy bay huấn luyện phản lực cho các giai đoạn đào tạo khác nhau. Mặc dù đa số không quân các nước vẫn tiếp tục sử dụng máy bay động cơ piston hoặc sau này là máy bay động cơ tuốc bin cánh quạt để huấn luyện cơ bản, nhưng một số máy bay huấn luyện phản lực như Cessna T-37 Tweet cũng đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của quá trình đào tạo. Những phi công được chọn để lái máy bay tiêm kích hoặc máy bay cường kích thì sau đó sẽ tiếp tục lái máy bay huấn luyện nâng cao tiên tiến hơn như Hawker Siddeley Gnat.

Khi những chiếc máy bay huấn luyện phản lực đời đầu trở nên lỗi thời thì các thế hệ tiếp theo đã xuất hiện, chẳng hạn như người Anh sử dụng BAE Systems Hawk một động cơ, trong khi người Pháp thì đặt hàng mua Dassault/Dornier Alpha Jet. Trong Khối Warszawa, Aero L-39 Albatros trở thành máy bay huấn luyện phản lực tiêu chuẩn.

Khi máy bay huấn luyện phản lực phát triển, nó cũng được trang bị vũ khí để huấn luyện chiến đấu, dẫn đến việc một số chiếc được sửa đổi thành máy bay cường kích hạng nhẹ; ví dụ như Cessna T-37 Tweet được phát triển thành Cessna A-37 Dragonfly.

Các máy bay huấn luyện phản lực hiện đại được tăng cường cấu trúc cho phép nó có thể nhào lộn trên không và diễn tập cường độ cao.